Trên thị trường hiện nay có hàng trăm loại men vi sinh khác nhau, không phải loại nào cũng được đánh giá là men vi sinh tốt. Theo BS Công, một men vi sinh tốt cần xác định được đến chủng đặc hiệu và phải có nghiên cứu lâm sàng rõ ràng về hiệu quả sử dụng.
Men vi sinh là thứ mà hầu như mẹ nào nuôi con cũng biết và hầu như mẹ nào ra hiệu thuốc bảo “con chị bị đi ngoài abc xyz” thì đều được bán cho một đống nào ống nào gói… Thậm chí, chả vấn đề gì cũng được một túi mang về, bảo uống đi cho ăn tốt.
Mình đang dùng mà thực là chưa hiểu lắm đang dùng cái gì.
Trên thị trường hiện nay, nói không quá thì cũng có hàng trăm loại men vi sinh khác nhau. Từ men Hàn, men Nhật đến men “Thổ Tang” (một khu vực sản xuất bánh kẹo gia công có tiếng). Cái gì cũng úi dồi ôi, tốt lắm. Được vài ngày thì “chắc con em không hợp”.
Phải nói thực, chúng ta chưa biết thế nào là một men vi sinh tốt.
Theo định nghĩa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO):
Probiotics (men vi sinh) là các vi sinh vật SỐNG, khi đưa một lượng CẦN THIẾT vào cơ thể thì đem lại hiệu quả CÓ LỢI cho cơ thể.
Cũng theo tổ chức này, một men vi sinh TỐT để sử dụng cần đảm bảo các tiêu chuẩn:
– Men vi sinh đó cần xác định đến CHỦNG đặc hiệu.
– Có khả năng sống ổn định trong đường tiêu hóa.
– Có bằng chứng nghiên cứu rõ ràng về hiệu quả khi sử dụng.
– Đạt tiêu chuẩn và được công nhận an toàn cho người dùng.
Khắt khe phết.
Thực tế thì rất nhiều men vi sinh đang có trên thị trường không đạt được những điều này.
Trong một Chi vi khuẩn, có rất nhiều Loài vi khuẩn, và trong một Loài thì lại có rất nhiều CHỦNG vi khuẩn khác nhau.
Vì sao lại cần xác định CHỦNG?
Mình lấy ví dụ thế này: Tên mình là PHÍ VĂN CÔNG. Họ PHÍ của mình có rất nhiều người. Mỗi người một nghề. Họ PHÍ VĂN ít người hơn chút, nhưng vẫn gồm nhiều người. Mỗi người mỗi tính. Nhưng PHÍ VĂN CÔNG thì có mỗi mình – là bác sĩ, vui tính và đẹp trai. Chúng ta không thể đánh đồng tất cả những người PHÍ VĂN đều giống nhau. Mỗi người mỗi nghề, mỗi người mỗi tính và mỗi người có ích cho xã hội khác nhau.
Men vi sinh cũng vậy. Mỗi CHỦNG vi khuẩn lại có một tác dụng khác nhau. Chúng ta không thể đánh đồng tất cả chúng với nhau được. Vậy nên, WHO bảo, muốn TỐT thì cần dùng loại đã được chỉ mặt đặt tên.
Vậy làm sao biết được men vi sinh nào đã xác định đến CHỦNG?
Đơn giản. Nhìn vào thành phần của men đó. Tên của men vi sinh xác định đến CHỦNG thì có 3 thành phần:
Ví dụ: Lactobaccillus reuteri DSM 17938
– Chủng: DSM 17938
– Loài:reuteri
– Chi:Lactobaccillus
Nếu chỉ dừng lại ở Lactobaccilus reuteri hay Lactobaccilus acidophilus… thì chưa xác định đến CHỦNG.
Như đã nói ở trên, mỗi CHỦNG vi khuẩn lại có một tác dụng khác nhau. Có chủng thì tốt ở đường ruột, có chủng thì tốt ở dạ dày, có chủng lại tốt ở…răng miệng.
Vậy nên, muốn sử dụng với mục đích đem lại hiệu quả ở đường ruột, thì CHỦNG vi khuẩn đó cần được chứng minh là có tác dụng tốt ở đường ruột. Và phải là đường ruột của NGƯỜI. Nghĩa là men vi sinh đó đã được nghiên cứu ở trên NGƯỜI trước khi đưa ra thị trường. Một sản phẩm TỐT là sản phẩm có những nghiên cứu rõ ràng, DÙNG thì cải thiện hơn so với KHÔNG DÙNG thế nào, bao lâu có hiệu quả… Bạn đừng nghĩ là cứ tống men vi sinh vào bụng, loại nào cũng có tác dụng như loại nào. NHẦM TO.
Mỗi một CHỦNG vi sinh vật sẽ có tác dụng khác nhau. Vậy nên, giả sử bạn muốn mua men vi sinh nào đó với mục đích cụ thể nào đó – ví dụ giảm nôn trớ ở trẻ sơ sinh chẳng hạn. Thì bạn search google xem men đó là vi sinh vật gì, rồi chịu khó lên web của hãng đó, xem họ có công bố nghiên cứu nào trên NGƯỜI về tác dụng giảm nôn trớ đó không (có thì họ sẽ công bố, và chắc là dịch ra tiếng Việt.
Hơi phức tạp tí, nhưng muốn dùng đồ xịn thì phải chịu khó thôi.
Và mình biết, trên thị trường bây giờ, đầy loại men vi sinh chưa xác định đến CHỦNG, chả có nghiên cứu gì. Vẫn bán bình thường.
Một lời khuyên nữa, đừng nên quá tin vào quảng cáo. Bạn nên tìm hiểu kỹ về tác dụng của sản phẩm trước khi dùng.
Tài liệu tham khảo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Tiêu Hóa thế giới (WGO):
> https://www.who.int/foodsafety/fs_management/en/probiotic_guidelines.pdf
> https://www.worldgastroenterology.org/UserFiles/file/guidelines/probiotics-english-2011.pdf
————-
(NGUỒN: Bác sĩ Phí Văn Công – Bác sĩ Nhi Khoa)